Màn chế tác thiết kế cao cấp của Dior
Thời trang là thứ mà không chuyển động quá nhanh. Mỗi năm, các nhà thiết kế chỉ cho ra 4-6 bộ sưu tập với khoảng vài chục mẫu trang phục. Những bộ sưu tập đó sẽ được giới thiệu trên các sàn diễn thời trang, nơi tập trung rất nhiều những tay máy, cánh truyền thông cùng các nhân vật có sức ảnh hưởng trong làng mốt. Hình ảnh của những thiết kế này ngay lập tức xuất hiện tràn ngập trên khắp các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Snap và trở thành "nguồn cảm hứng" cho những hãng thời trang bán lẻ mặc sức "xào nấu", "biên đạo" lại ý tưởng. Đó là ngạch thời trang mà người ta vẫn thường gọi với cái tên "Thời trang ăn liền", hay còn gọi là "Fast Fashion".
Để chống lại sự nhanh nhẹn của các thương hiệu thời trang "ăn liền" như Zara hay H&M, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã nghĩ ra phương cách tạo ra những bộ sưu tập được gọi là "see now buy now", tức là các khách hàng có thể mua ngay thiết kế sau khi show diễn kết thúc thay vì phải đợi 6 tháng như trước đây.
Tuy nhiên, điều này không thể áp dụng với những thiết kế thời trang cao cấp - Haute Couture.
Thời trang cao cấp là thứ mà không bất kỳ thương hiệu bán lẻ nào có thể "xào nấu" lại
Haute couture là một ngành thời trang đạt đến đỉnh cao của sự sang trọng, xa xỉ với vẻ đẹp ngoạn mục. Tất cả các thiết kế đều được người thợ cặm cụi may đo bằng tay một cách tỉ mẩn nhất. Những người thợ may làm việc tại các xưởng thời trang cao cấp được gọi chung với tên gọi "petite mains", có nghĩa là những người có đôi bàn tay nhỏ bé.
Toàn bộ ngành công nghiệp thời trang cao cấp được điều hành bởi Nghiệp đoàn may đo cao cấp - Chambre Syndicale de la Haute Couture - đóng tại Pháp. Và chỉ có một số ít các thương hiệu thời trang được trao vinh dự sản xuất thiết kế cao cấp bởi Bộ công nghiệp Pháp.
Tất cả điều này nói lên rằng thế giới thời trang cao cấp là một vẻ đẹp hiếm có. Nó là kết tinh của hàng trăm kỹ năng, sự khéo léo từ những người thợ thủ công được tuyển chọn một cách gắt gao nhất.
Trong đó, Christian Dior là một thương hiệu nổi tiếng với những thiết kế cao cấp ảo diệu như một bức tranh cổ tích.
Tại tuần lễ thời trang cao cấp vừa qua, nhà thiết kế Maria Grazia Chiuri đã giới thiệu bộ sưu tập thời trang cao cấp lần đầu tiên dành cho Christian Dior mà giới mộ điệu miêu tả nó giống như một thế giới cổ tích có rất nhiều nàng tiên đẹp mê hoặc sống trong một khu rừng ảo diệu. Đó là những thiết kể được làm từ vải tuyn mỏng manh, kết ren tinh xảo với vương miện hoa trang trí công phu.
Dưới đây là 3 trong số những thiết kế tuyệt đỉnh công phu, xa xỉ và tinh vi nhất trong bộ sưu tập thời trang cao cấp của Dior năm nay.
Thiết kế này của Maria Grazia Chiuri được lấy cảm hứng từ những bông hoa mà nhà thiết kế này nhận xét rằng: "Sau phụ nữ, hoa là sáng tạo thần thánh nhất của nhân loại. Chúng thật tinh tế, quyến rũ nhưng phải nâng niu thật cẩn thận."
Bộ đầm hoa xa xỉ này phải mất đến 300 giờ mới hoàn thành. (Tương đương với 12,5 ngày).
Nghệ nhân làm mũ huyền thoại Stephen Jones đã tạo những thiết kế đội đầu tuyệt đẹp dành cho bộ sưu tập cao cấp 2017 của Christian Dior. Đây là bộ sưu tập đánh dấu năm thứ 20 mà ông cống hiến cho Dior. Để kỷ niệm dịp đặc biệt này, Stephen Jones đã tạo nên một chiếc vương miện đặc biệt, bao gồm 4 chú ong, 4 bông hoa hồng, 3 bông hoa anh túc, 3 bông hoa cúc, 2 cành hoa, một bông hoa ngô và một chú bướm.
Đây là 2 thiết kế tốn công tốn sức nhất trong bộ sưu tập cao cấp xuân hè 2017 của Dior. Maria Grazia Chiuri phải sử dụng 15 mét vải cho 2 tác phẩm này cùng với 74 ngày miệt mài làm việc. Trong đó, chiếc váy màu đen mất 33 ngày trong khi chiếc màu hồng mất đến 41 ngày để hoàn thành.
Tại sao những thiết kế này lại mất thời gian chế tác lâu đến như vậy? Điểm đắt giá nằm giữa từng lớp vải tuyn nằm ở các chi tiết của váy. Ở phần giữa các lớp vải tuyn trên chiếc váy đen là một "thung lũng hoa" được thêu ren trên nền chất liệu lua organza. Trong khi đó, trên chiếc đầm hồng nude là tầng tầng lớp lớp vải tuyn mỏng manh, như một chiếc bánh ngọt Pháp phủ đầy kem tươi phồng xốp.
Đăng nhận xét