- Cả thế giới áp dụng mọi cách khử độc nhưng tỉ lệ sống sót vẫn rất hạn chế, bệnh nhân đau đớn, vật vã và tỉnh táo cho đến lúc nhắm mắt.
Tự tử vì lý do... trời ơi
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, hầu như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận ít nhất 1 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy paraquat.
Hầu hết bệnh nhân còn trẻ tuổi, tự tử với những lý do rất nhỏ nhặt như bị bố mẹ mắng, giận chồng, vợ, người yêu, không được mua món này, món kia...
Paraquat là chất kịch độc. Số lượng ngộ độc loại thuốc này vào Bạch Mai cấp cứu không ngừng tăng qua từng năm, từ 300 ca năm 2014 lên 350 ca 2015 và đến 2016 tăng lên 450.
|
Nam sinh 24 tuổi đang được điều trị sau khi tự tử bằng paraquat |
Gần đây nhất, trung tâm điều trị cùng lúc cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc paraquat. Trong đó có một cụ bà 71 tuổi tại Đông Anh, Hà Nội, nam sinh N.T.K (24 tuổi, Quảng Ninh) và nam bệnh nhân H.V.Đ (35 tuổi, Bắc Giang).
Trong đó cụ bà 71 tuổi sau 2 ngày điều trị tích cực, gia đình đã xin về do hệ tiêu hoá, hô hấp bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân khó thở, rít lên từng hồi đau đớn trước khi xuất viện.
Còn nam bệnh nhân 35 tuổi, chỉ vì cãi cọ với vợ chuyện phong bì mừng đám cưới mà nghĩ quẩn, uống thuốc diệt cỏ để quyên sinh. Rất may anh Đ được người thân phát hiện kịp thời.
Nam sinh còn lại tìm đến cái chết do áp lực học hành, bị phân biệt đối xử trong trường nên bất mãn, uống 1 ngụm paraquat để kết liễu cuộc đời, được gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu.
BS Nguyên cho biết, cả 2 ca nói trên vẫn tỉnh táo, đang được điều trị tích cực nhưng chưa thể nói trước được điều gì do chất độc đã hấp thụ vào người.
70-90% tử vong
BS Nguyên cho biết, dù nghiên cứu nhiều năm nhưng đến nay các nhà khoa học trên thế giới cũng như Việt Nam chỉ có thể khử độc paraquat bằng cách rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc và kết quả rất hạn chết.
“Chỉ cần uống 1 ngụm khoảng 5ml, cơ hội sống của bệnh nhân đã rất mong manh. Tỉ lệ tử vong chung khoảng 70-90%, dù đến bệnh viện nhanh hay chậm”, BS Nguyên thông tin.
Đặc biệt, trong khi các bệnh khác khiến bệnh nhân hôn mê, mệt mỏi thì với ngộ độc paraquat, bệnh nhân tỉnh táo, đau đớn, vật vã cho đến lúc nhắm mắt. Đây cũng là điều ám ảnh các bác sĩ và người thân.
|
BS Nguyên cầm hồ sơ của một bệnh nhân ngộ độc paraquat vừa xin về |
Thông thường khi ngộ độc paraquat, bệnh nhân sẽ nôn rất nhiều, đau rát, viêm loét họng. Trong vòng 2 giờ, chất độc sẽ ngấm vào máu, hút vào phổi khiến bệnh nhân khó thở, phổi xơ cứng dần rồi tử vong.
Trường hợp nặng có thể tử vong trong 2-3 ngày, đa phần tử vong trong 5- 7 ngày, thậm chí bệnh nhân tỉnh táo đến 3 tháng nhưng vẫn có thể chết do suy hô hấp.
BS Nguyên cho biết, paraquat là một trong số chất độc hiếm hoi cấp cứu rất oái oăm, bác sĩ phải đánh vật với bệnh nhân vì không được thở oxy, nếu dùng sẽ sản sinh ra chất độc hơn khiến phổi xơ nhanh hơn.
Những trường hợp được cứu sống chi phí điều trị cũng rất lớn. Riêng tiền lọc máu có thể lên tới 100 triệu đồng/đợt điều trị. Sau khi được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng do tác hại của hóa chất này.
Đáng tiếc, chỉ đến lúc vào viện, các bệnh nhân mới cảm thấy hối tiếc vì đã tự huỷ hoại bản thân khi những cơn đau cuồn cuộn ập tới. Để giúp bệnh nhân ra đi nhẹ nhàng, thông thường các bác sĩ phải dùng thuốc an thần.
Loại bỏ paraquat 2 năm tới
Bộ trưởng NN&PTNT vừa ban hành quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm và được buôn bán, sử dụng tối đa từ 2 năm kể từ ngày có quyết định.
Theo tính toán, nếu loại bỏ được paraquat, mỗi năm Việt Nam sẽ cứu được ít nhất 1.000 người tự tử bằng loại thuốc này.
|
Trong 65 bệnh nhân của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai có tới hơn 1/3 trường hợp điều trị do ngộ độc thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong dịp Tết.
Bị vợ nghi ngờ không chung thủy dẫn tới mắc bệnh sùi mào gà, nhiều lần giải thích mà vợ không nghe. Anh đã nghĩ đến việc lao đầu vào ô tô cho đỡ mệt mỏi...
Thúy Hạnh