Việc chẩn đoán muộn hoặc không được điều trị, theo dõi đầy đủ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề gây tàn phế.

GS.TS Ngô Quý Châu, PGĐ BV Bạch Mai, GĐ Trung tâm Hô hấp của BV cho biết: Tại BV Bạch Mai, số bệnh nhân mắc COPD phải nhập viện điều trị vì đợt cấp đứng hàng đầu trong các bệnh lý về phổi. 

Trong lúc giao mùa, bệnh nhân mắc COPD thường rơi vào tình trạng nặng vì khả năng nhiễm virus, vi khuẩn từ đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới làm cho tình trạng co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy trong đường hô hấp nhiều lên, làm cho rối loạn thông khí trầm trọng hơn và bệnh nhân khó thở nhiều hơn, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.

Theo GS. Châu, COPD là một bệnh lý hô hấp mạn tính đặc trưng bởi tắc nghẽn luồng khí thở ra ở phổi. Căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ tư trên thế giới, dự kiến đến năm 2020 sẽ đứng thứ ba. 

Trời lạnh, coi chừng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đo chức năng hô hấp tại BV Bạch Mai

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh chính là hút thuốc lá, thuốc lào; ô nhiễm không khí môi trường, ảnh hưởng của khói, khí, bụi nghề nghiệp, trong đó đặc biệt phải chú ý đến tác hại của hút thuốc. 

Vấn nạn hút thuốc ngày càng gia tăng thực sự là mối nguy hiểm không chỉ với COPD vì làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong và gây ra gánh nặng về chi phí y tế do căn bệnh này mà còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

“Phổi của những người mắc COPD thường có biểu hiện viêm mạn tính của đường thở và phá hủy nhu mô phổi càng ngày càng nặng dần. Những tổn thương này khi đã xuất hiện thì thường không phục hồi được, đặc biệt là những trường hợp bệnh giai đoạn nặng”- GS. Châu nhấn mạnh.

Bệnh nhân COPD cần đo chức năng hô hấp

Theo GS. Châu, COPD có những biểu hiện tương tự các bệnh lý hô hấp khác như: ho, khạc đờm mạn tính, ở giai đoạn muộn sẽ khó thở nặng dần. Bệnh cũng nặng lên ở các đợt cấp với các biểu hiện như khó thở tăng, ho, khạc đờm tăng, sốt và trong những trường hợp nặng bệnh nhân có thể tử vong.

Việc chẩn đoán muộn hoặc không được điều trị, theo dõi đầy đủ sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề gây tàn phế như: giảm khả năng gắng sức, suy hô hấp đỏi hỏi phải thở oxy hỗ trợ, thở máy… đồng thời dễ mắc thêm nhiều bệnh lý khác kèm theo như: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, loãng xương…

Các biện pháp điều trị hiện nay chỉ giúp giảm triệu chứng mà không ngăn chặn được tiến triển của bệnh dẫn đến bệnh ngày càng nặng và COPD thực sự là gánh nặng về kinh tế và xã hội.

Do vậy, GS. Châu khuyến cáo, những người có yếu tố nguy cơ dễ mắc COPD hoặc có các biểu hiện của bệnh cần phải đi khám và đo chức năng hô hấp để phát hiện sớm bệnh.

Những bệnh nhân được chẩn đoán COPD cần phải tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn của bác sĩ như: bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc và các loại khói, khí, bụi; dùng thuốc theo đúng hướng dẫn; tiêm phòng vắc-xin cúm và phế cầu.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.